NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG ĐỔ TRỘM CHẤT THẢI NGUY HẠI RA MÔI TRƯỜNG: CẦN QUẢN LÝ CHẶT TỪ ĐẦU NGUỒN
 21/12/2019 08:45:34  –   2361

Moitruong24h - Trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số vụ việc xả trộm chất thải nguy hại (CTNH) ra môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình khắc phục mất nhiều công sức và kinh phí, trong khi cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong điều tra, truy tìm thủ phạm để xử lý. Thực tế đó đặt ra yêu cầu siết chặt quản lý đối với công tác xử lý chất thải, không để xảy ra các vụ đổ trộm CTNH để bảo vệ môi trường.  

Kỳ 1: “Nóng” việc đổ trộm chất thải nguy hại

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn thành phố đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh những lợi ích vô cùng to lớn, cũng kéo theo sức ép lớn về ô nhiễm môi trường. Trong đó khối lượng CTNH trong quá trình hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, y tế… liên tục gia tăng, nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế.

Công nhân xử lý dầu thải nguy hại tại Công ty TNHH Đại Thắng (Khu CN Nam cầu Kiền).

Lén lút đổ ra môi trường

Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ đổ trộm CTNH ra môi trường. Cuối tháng 7-2019, gần 1 tấn chất thải không rõ nguồn gốc đựng trong 30 thùng nhựa đổ ra kênh Hòa Bình, phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh) làm nước kênh này chuyển từ màu trắng sang xanh. Cũng thời điểm này, nước ở kênh Cẩm Văn ở xã Quốc Tuấn (huyện An Lão) nằm ngay cạnh các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất kẽm bị đổi màu bất thường thành màu vàng đỏ như phù sa và nổi váng, làm cá tôm chết hàng loạt, khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được đơn vị, cá nhân nào xả trộm CTNH ra kênh này.

Trước đó, tháng 5-2019, cả thành phố “nóng” lên về vụ việc đổ trộm chất thải nguy hại tại mương ven Quốc lộ 10, xã Hưng Nhân (huyện Vĩnh Bảo) làm một người dân của xã này lội qua mương bị bỏng nặng 2 chân. Thành phố phải chi hơn 6 tỷ đồng để tổ chức xử lý, thu gom hơn 145 m3 chất thải và bùn nhiễm độc. Công an huyện Vĩnh Bảo xác định được 2 đối tượng người Thái Bình có hành vi đổ trộm CTNH trên và phối hợp Công an Thái Bình truy bắt 2 đối tượng này. Ngoài ra, vụ đổ sơn trên đồi Thiên Văn (quận Kiến An) vào đầu năm 2019 cũng làm tốn hàng chục triệu đồng để xử lý hậu quả.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, trong năm 2018, thanh tra chuyên ngành kiểm tra 183 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, vẫn có tình trạng một số cơ sở thực hiện quản lý CTNH chưa đúng quy định như: Chưa bố trí khu vực bảo đảm các điều kiện về môi trường theo quy định để lưu giữ tạm thời CTNH, phân loại, dán nhãn, dán biển cảnh báo. Theo đó, thanh tra chuyên ngành xử phạt hành chính 25 tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó xử lý theo thẩm quyền 17 tổ chức với tổng tiền phạt là 533 triệu đồng và yêu cầu các tổ chức vi phạm khắc phục hậu quả, trong đó có cơ sở đổ trộm CTNH ra môi trường.

Trong năm 2018 và 9 tháng năm 2019, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) phát hiện, xử lý 55 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tổng số tiền xử phạt hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó có 13 vụ việc không thực hiện thu gom, xử lý CTNH đúng quy định.

Nhiều chiêu trò lách luật

Theo khảo sát, tình trạng đổ trộm CTNH ra môi trường bị phát hiện trong thời gian qua bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn cả nước và thành phố có nhiều nguyên nhân.

Theo Thông tư số 36 năm 2015 của Bộ Tài nguyên – Môi trường về quản lý CTNH, các cơ sở phát sinh CTNH thường xuyên hay định kỳ hằng năm với tổng số lượng từ 600 kg/năm trở lên phải đăng ký chủ nguồn thải và báo cáo quản lý CTNH với Sở Tài nguyên - Môi trường; còn những cơ sở phát sinh dưới 600 kg/năm không phải thực hiện cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, chỉ cần báo cáo quản lý CTNH định kỳ 1 lần/năm. Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Quang Lợi cho biết: Trên thực tế, số doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc quy định này không nhiều. Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 1.250 đơn vị có phát sinh CTNH, trong đó có khoảng 1.000 đơn vị có lượng CTNH phát sinh thường xuyên hơn 600 kg/năm và hơn 250 cơ sở phát sinh lượng CTNH dưới 600 kg/năm. Tuy nhiên, chỉ có 595/1250 cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo quản lý CTNH về cơ quan quản lý nhà nước. Phần lớn các cơ sở có khối lượng chất thải nguy hại phát sinh dưới 600 kg/năm chưa tự giác gửi báo cáo quản lý CTNH định kỳ, nên cơ quan này chưa có đủ số liệu tổng hợp về số các đơn vị hoạt động trên địa bàn có phát sinh chất thải nguy hại ít hơn 600 kg/năm.

Ảnh minh họa

Báo cáo trên của Chi cục Bảo vệ môi trường cho thấy, các chủ nguồn thải chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, xử lý CTNH và báo cáo cơ quan quản lý. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến một số cơ sở, doanh nghiệp có thể lén lút đổ trộm CTNH ra môi trường. Thực tế này cũng cho thấy sự quản lý của ngành Tài nguyên- Môi trường đối với các chủ nguồn thải còn lỏng lẻo.

Theo quy định về xử lý  CTNH, mỗi doanh nghiệp có CTNH phát sinh phải hợp đồng với các đơn vị nhận xử lý CTNH. Theo Phó giám đốc Công ty CP thương mại và dịch vụ kho vận Phú Hưng Nguyễn Quang Hứa cho biết, doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ xử lý chất thải nguy hại. Từ thực tế hoạt động này của đơn vị cho thấy: Hiện hầu hết các doanh nghiệp có phát sinh CTNH dưới 600 kg chỉ ký hợp đồng “nguyên tắc” thuê dịch vụ xử lý CTNH chỉ để qua mặt cơ quan chức năng về hồ sơ, thủ tục, rồi để đó, chứ không hề xử lý CTNH qua các đơn vị này. Chính nhờ chiêu trò này, nên khi các cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra hồ sơ, sổ sách, doanh nghiệp vẫn có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết về quản lý và xử lý CTNH. Bên cạnh đó, chi phí xử lý CTNH hiện khá cao, dao động từ 28.000 đồng đến 31.000 đồng/kg. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoản chi này khiến chi phí sản xuất, kinh doanh đội lên đáng kể, có thể lên hàng chục triệu đồng/năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp thuê cá nhân, tổ chức chở CTNH đổ trộm ra môi trường, hoặc tự chia nhỏ, trộn lẫn CTNH vào chất thải thông thường để chôn lấp hoặc đổ ra môi trường. Đây là tình trạng phổ biến bị phát hiện trong thời gian vừa qua, nhưng chỉ bắt được các đối tượng nhận đổ trộm CTNH.

Luật sư Đào Văn Bảy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành (quận Lê Chân) cho rằng, hiện Thông tư số 36 không quy định chủ nguồn thải phải có trách nhiệm giám sát hoạt động quản lý, xử lý CTNH sau khi chuyển giao. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng với đơn vị xử lý CTNH mà không phải chịu trách nhiệm về việc lượng CTNH của doanh nghiệp mình có được xử lý đúng quy định, đúng yêu cầu hay không. Do đó việc xử lý CTNH do đơn vị làm dịch vụ “tự quyết”, cũng tiềm ẩn nguy cơ đổ trộm ra môi trường.

Được biết, Sở Tài nguyên - Môi trường đang thực hiện kê khai chứng từ điện tử trực tuyến áp dụng đối với chuyển giao CTNH giữa chủ nguồn thải với chủ dịch vụ xử lý, hành nghề quản lý CTNH. Hiện, toàn thành phố mới có 600/1000 chủ nguồn thải kê khai việc này, nên nguy cơ “mập mờ” về xử lý CTNH vẫn diễn ra và có thể một số cơ sở phát sinh hay xử lý CTHN vẫn âm thầm đổ trộm ra môi trường mà chưa bị phát hiện.

Theo thống kê của ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở, doanh nghiệp phát sinh CTNH dưới 600 kg/năm trên địa bàn thành phố chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng này tạo kẽ hở để những doanh nghiệp thiếu ý thức, trách nhiệm có thể xả trộm CTNH chưa qua xử lý đầu độc môi trường sống, gây nguy hiểm cho cộng đồng không chỉ trước mắt mà còn nhiều năm về sau.

 

       Thông tin liên hệ chi tiết:

     CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG THIÊN TÂN

  • Địa chỉ: 01 Bình Hòa 4, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng
  • Điên thoại: 02363 525 886
  • Hotline: 0904 585 123
  • Email: [email protected]

 
 

0904 585 123